Tăng cường ứng dụng viễn thám trong giám sát tài nguyên, bảo vệ môi trường

  06/01/2023

Thời gian tới, Cục Viễn thám quốc gia sẽ tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ quản lý Nhà nước, hoạt động sự nghiệp, nghiên cứu và đề xuất xây dựng quy trình cung cấp dữ liệu viễn thám, xây dựng dịch vụ công về viễn thám, hướng dẫn về xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ứng dụng viễn thám; triển khai thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia bảo đảm đồng bộ và thống nhất với CSDL tài nguyên môi trường.

Thực hiện Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội”, thời gian qua Cục Viễn thám quốc gia cũng đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám trong công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, phát triển nông nghiệp, quản lý, giám sát nguồn nước xuyên biên giới, giám sát về môi trường biến động diện tích đất rừng, biển, hải đảo, các khu vực có nguy cơ sạt lở, giám sát khai thác mỏ trái phép; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giám sát biển, đảo, diễn biến vùng ô nhiễm, vùng nước thải từ các khu công nghiệp, đô thị nhằm đưa ra cảnh báo các vùng có nguy cơ ô nhiễm vùng kinh tế trọng điểm ven biển.

Trong năm 2023, Cục Viễn thám quốc gia sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Đề án Giám sát tài nguyên môi trường bằng công nghệ viễn thám; Đề án “Ứng dụng viễn thám giám sát thường xuyên phục vụ các lĩnh vực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường”; Dự án Chính phủ: “Ứng dụng công nghệ viễn thám kết hợp phương pháp địa vật lý – hải dương xác định dịch chuyển bờ ngầm và địa chất tầng nông đới bờ phục vụ đánh giá, dự báo xâm thực bờ biển và đề xuất một số giải pháp phòng, chống xâm thực dải ven biển Việt Nam”.

Ảnh minh họa

Tiếp tục triển khai thực hiện dự án “Xây dựng trạm dò tìm, tiếp nhận và trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh” tại Bình Dương (thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN-Ấn Độ); Phi dự án ODA hợp tác với Italia “Thiết lập và triển khai Hệ thống thông tin địa lý về Tính dễ tổn thương do biến đổi khí hậu, Đánh giá rủi ro và Giám sát môi trường cho Việt Nam dựa trên Công nghệ viễn thám” nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thám quốc gia. Đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch giám sát nhanh các hiện tượng, sự cố bất thường do thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ.

Ngoài ra, thời gian tới Cục đẩy mạnh triển khai ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại các bộ, ngành trong đó chú trọng đến ngành tài nguyên và môi trường qua các dự án như: Giám sát hiện trạng, biến động tỷ lệ che phủ rừng Việt Nam, chuyển đổi cơ cấu đất rừng sang các loại đất khác ; Theo dõi cháy rừng (thực hiện trong giai đoạn 2023-2027); Cảnh báo sớm hạn hán cho một số loại cây trồng cạn chủ lực vùng Tây Nguyên (2025-2029). Giám sát biến động và cảnh báo môi trường vùng sinh thái biển đặc trưng (bãi giống, bãi đẻ..) ở vùng biển Việt Nam (2023-2027); Tích hợp công nghệ viễn thám và công nghệ khai thác phục vụ khai thác hiệu quả và bền vững nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam.

Quan trắc và cảnh báo sớm môi trường các vùng nuôi biển Việt Nam (2024-2028). Dự báo nguồn nước mùa lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long phục vụ công tác chỉ đạo điều hành sản xuất nông nghiệp (2023-2027); Giám sát phục vụ vận hành các công trình thủy lợi trong điều kiện mưa lũ bất thường (2024-2028); Giám sát, đánh giá bồi lắng bùn cát, kiểm đếm, giám sát nguồn nước trong hồ chứa thủy lợi ở những vùng thiếu số liệu quan trắc mực nước (2025-2029)…

Nguồn: thiennhienmoitruong.vn

×

FanPage

Vietwater Expo & Forum