Nỗ lực ”xanh hóa” các dòng kênh, rạch

  20/12/2022

HĐND thành phố Hồ Chí Minh vừa thông qua chủ trương bố trí vốn đầu tư nạo vét, nâng cấp rạch Xuyên Tâm. Đây là nỗ lực của thành phố Hồ Chí Minh trong việc “xanh hóa” các dòng kênh, rạch, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (chảy qua các quận Bình Thạnh và Gò Vấp), có tổng chiều dài hơn 9km, vốn đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn 2023-2028, tuyến rạch sẽ được nạo vét, xây dựng bờ kè và đường giao thông hai bên; đầu tư xây dựng hệ thống thu gom thoát nước thải, công viên, mảng xanh, hạ tầng ven rạch…

“Hàng chục năm qua, người dân luôn phải sống trong cảnh môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mong rằng, với quyết định kịp thời của chính quyền thành phố, thời gian tới tuyến rạch Xuyên Tâm sẽ trong xanh trở lại”, bà Lê Thị Duyên (65 tuổi, ở phường 13, quận Bình Thạnh) vui mừng nói.

Theo PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), thời gian tới, thành phố cần rót vốn đầu tư xây dựng các tuyến kênh, rạch đang bị ô nhiễm. Đồng thời, xây dựng các nhà máy xử lý nước thải để xử lý triệt để nguồn nước thải trước khi chảy ra môi trường.

Trong nỗ lực đem lại dòng kênh, rạch xanh trở lại, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung đầu tư vào cải tạo môi trường kênh, rạch từ nay đến năm 2025. Trong đó, tiêu biểu là dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ, giai đoạn 2, có tổng mức đầu tư hơn 11.281 tỷ đồng (vốn vay ODA của Nhật Bản khoảng hơn 9.831 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng trong nước). Dự án được triển khai từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành tháng 6-2022, tuy nhiên hiện không hoàn thành đúng tiến độ. Thành phố đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian hoàn thành đến cuối năm 2023.

Dự án trên gồm 6 gói thầu xây lắp nhằm hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, chống ngập úng và giải quyết vệ sinh môi trường cho các khu vực trũng và vùng lân cận lưu vực Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ. Dự án còn xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc cho biết, dự án hiện đạt 80% khối lượng. Thời gian tới, thành phố nỗ lực hoàn thành để khép kín công đoạn xử lý nước thải. Khi hoàn thành, nước thải toàn bộ kênh Tàu Hủ – Bến Nghé đến bến Phú Định sẽ được thu gom lại, trả lại dòng nước trong xanh cho dòng kênh.

Bên cạnh đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai kế hoạch tăng cường phối hợp kiểm soát ô nhiễm kênh Ba Bò và tuyến kênh thoát nước lưu vực suối Nhum – suối Xuân Trường – suối Cái (đều chảy qua thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương), giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị mời gọi đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Sài Gòn, công suất 170.000m3/ngày; Trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2, công suất 130.000m3/ngày và Trạm xử lý nước thải rạch suối Nhum, công suất 65.000m3/ngày, nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Đặng Phú Thành cho biết, nếu 3 nhà máy, trạm xử lý nước thải trên được xây dựng, dự kiến có khoảng 80% tổng lượng nước thải (đạt gần 2,6 triệu mét khối/ngày) sẽ được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.

Theo Hanoimoi

×

FanPage

Vietwater Expo & Forum