Kiến nghị đầu tư cụm công trình cung cấp nước sạch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

  24/05/2022

Tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 11.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sử dụng nước sạch; trong đó, khoảng 9.000 hộ là đồng bào dân tộc Khmer.

Nước sạch phục vụ sinh hoạt đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa: TTXV

Tuy nhiên, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng nông thôn vẫn chưa được hưởng lợi từ các công trình cung cấp nước sạch tập trung. Vì, đa phần đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán, tập trung ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Ông Sơn Văn Quang, dân tộc Khmer ở ấp 14 xã Khánh An, huyện U Minh bày tỏ, từ khi có nước giếng sử dụng, đồng bào dân dân tộc Khmer ở ấp 14 không còn sử dụng nước sông để tắm, giặt như trước. Tuy nhiên, do giếng của gia đình sử dụng nhiều năm nên nguồn nước không còn ngọt như trước, có thể nguồn nước bị nhiễm chất bẩn.

Gia đình ông Sơn Văn Quang và các hộ Khmer nơi đây mong muốn, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cụm công trình cấp nước tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân chủ động nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất.., nhất là khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô hạn.

Theo ông Ngô Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Khánh An, huyện U Minh, qua rà soát, một số hộ dân ở ấp 12, ấp 16, ấp 17 đang gặp khó khăn trong vấn đề sử dụng nước do những khu vực này khoan giếng không tìm được mạch nước ngọt, thậm chí khoan ở độ sâu từ 300-400m nhưng vẫn không có nước ngọt sử dụng.

Do đó, xã dự tính cần phải đầu tư hệ thống nước khoan ở bên ngoài, sau đó dẫn đường ống đến các hộ dân thì mới đảm bảo sự dụng nước ngọt được.

Hiện nay, trung tâm nước sạch của tỉnh đã đầu tư xây dựng tại xã hệ thống cấp nước sạch tập trung nhưng quy mô chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân ở ấp 2, 3, 4 và 5. Riêng hệ thống cấp nước ở ấp 17 do thời gian sử dụng đã lâu nên bị xuống cấp.

Do đó, UBND xã Khánh An kiến nghị cấp trên xem xét, hỗ trợ xây dựng công trình cấp nước nối mạng tại xã để giải quyết khó khăn về nước sạch sinh hoạt cho người dân ở vùng nông thôn. Trước mắt, xã vận động tài trợ khoan giếng nước kèm bộ máy lọc nước uống để các hộ dân sử dụng chung.

Toàn tỉnh hiện có 32 dân tộc thiểu số, với hơn 11.750 hộ, trên 48 nghìn người; trong đó, đông nhất phải kể đến đồng bào dân tộc Khmer, nhưng phần lớn sinh sống phân tán ở các huyện, thành phố Cà Mau.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho gần 900 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống khó khăn ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, với hình thức là hỗ trợ khoan giếng nước sinh hoạt theo nhóm hộ và hỗ trợ mua bồn chứa nước.

Đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, trong khi nhu cầu sử dụng nguồn nước ngọt ở vùng đồng dân số thiểu số ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, về lâu dài tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng các công trình cung cấp nước sạch tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer.

Từ thực tế đó, Ban Dân tộc tỉnh kiến nghị Trung ương sớm ban hành cơ chế và hỗ trợ nguồn lực để các tỉnh trong khu vực đầu tư xây dựng thêm các cụm công trình nước sinh hoạt tập trung tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giải quyết căn cơ đối với những khó khăn về nước sinh hoạt, ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên hàng năm.

Mặt khác, Cà Mau là một trong những tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và tình trạng sạt lở ven sông, ven biển đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế và chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Do vậy, các bộ, ngành Trung ương cần xem xét, đề xuất cơ chế ưu tiên hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với định mức cao hơn khoảng 1,5 đến 2 lần so với định mức quy định để tỉnh chủ động triển khai các nội dung chính sách thuộc chương trình và hỗ trợ về nước sinh hoạt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Nguồn: bnews.vn

×

FanPage

Vietwater Expo & Forum