Đảm bảo nước sạch nông thôn với sự góp sức của các HTX

  12/04/2022

Để phát huy hiệu quả của các công trình cấp nước sạch nông thôn, đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư cho các công trình cấp nước, những năm gần đây đã có nhiều HTX chủ động đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước sạch, đảm bảo ổn định nguồn nước sinh hoạt phục vụ người dân.

Với sự đầu tư hệ thống nước sạch nông thôn đã nâng cao sức khỏe, cải thiện môi trường sống.

Thực tế cho thấy, cấp nước sinh hoạt nông thôn với sự tham gia của các HTX, đã góp phần quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao sức khoẻ, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Qua đó, tỷ lệ dân cư nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh ngày càng tăng, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi và vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn về nguồn nước.

Để nông dân được sử dụng nước sạch

Theo ông Nguyễn Thành Luân, Phó giám đốc Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn – Tổng cục Thủy lợi, để thực hiện được mục tiêu cấp nước sinh hoạt nông thôn trong hệ thống thủy lợi bền vững, hàng trăm công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung được các HTX đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng những năm qua. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với khu vực nông thôn, nhất là người dân các huyện miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho khu vực nông thôn, miền núi.

Mặc dù, nước sạch rất cần thiết trong đời sống và sinh hoạt của con người, thế nhưng, hiện đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước sạch từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và ngay cả trong sinh hoạt hàng ngày.

“Xác định được tầm quan trọng đó nên thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trên cả nước luôn quan tâm tạo điều kiện cho các HTX mở rộng mạng lưới cấp nước tập trung ở vùng nông thôn”, ông Nguyễn Thành Luân cho biết.

Tại tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có 135 công trình cấp nước tập trung, trong đó 30 công trình hoạt động bền vững do các HTX quản lý.

Trong những năm đầu triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn chủ yếu sử dụng nước ngầm, công nghệ lọc cũ, lạc hậu, công tác đầu tư manh mún, không đồng bộ.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương tập trung triển khai các giải pháp, hoạt động nâng cao năng lực quản lý vận hành, cải tạo sửa chữa công trình kém bền vững, không hoạt động. Trong năm 2021, đã mở lớp hướng dẫn quản lý, vận hành công trình cấp nước, rà soát tổng hợp báo cáo và đề nghị thanh lý một số công trình kém bền vững, công trình ngừng hoạt động. Hàng năm tổ chức tuyên truyền hướng dẫn các hộ sử dụng bình lọc, giữ gìn vệ sinh nguồn nước nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Quang Toản, Giám đốc HTX nước sạch và dịch vụ môi trường đô thị Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ chia sẻ, hiện HTX đang cung cấp dịch vụ cho khoảng gần 3.200 hộ dân và thành viên HTX của các xã, thị trấn của huyện Thanh Sơn. Từ khi đi vào hoạt động, đội ngũ cán bộ, thành viên người lao động luôn được quán triệt về công tác quản lý, vận hành công trình để phát huy tối đa hiệu quả sử dụng công trình cấp nước sạch. Trong thời gian trực thường xuyên kiểm tra hệ thống máy móc, đảm bảo việc cấp nước liên tục cũng như chất lượng nguồn nước.

“Trước đây, người dân tại huyện Thanh Sơn, chủ yếu sử dụng giếng khoan bể lấy nước mưa, hàm lượng sắt nhiều nên ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường sống. Năm 2010, HTX được giao quản lý hệ thống nước sạch với khoảng 50% số hộ dân sử dụng, chất lượng được đảm bảo”, ông Toản cho biết.

Tiếp tục đầu tư hệ thống nước sạch nông thôn

Tại tỉnh Bắc Giang, thực hiện chủ trương xã hội hóa quản lý, vận hành hoạt động cấp nước nông thôn của tỉnh Bắc Giang, HTX An Sơn, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên đã nhận bàn giao Trạm cấp nước tập trung An Lập, công suất thiết kế 630 m3/ngày đêm nhằm giải quyết khó khăn cho người dân về nước sinh hoạt.

Ngay sau khi tiếp nhận, HTX An Sơn đã đầu tư trên 1,5 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, hoàn thiện hệ thống lọc nước và đường ống, đầu tư mới máy bơm… Từ một công trình có nguy cơ bỏ không, đến năm 2015, Trạm cấp nước tập trung An Lập đã đi vào hoạt động hiệu quả. Từ 170 hộ sử dụng ban đầu, đến nay công trình đã cấp nước ổn định cho trên 90% số dân trong xã Vĩnh An.

Hệ thống cung cấp nước sạch luôn được các HTX đầu tư, nâng cấp.

Từ hiệu quả bước đầu của công trình, HTX đã đầu tư thêm hệ thống lọc mới có công suất 500m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HTX cũng đầu tư thêm gần 6 tỷ đồng để mở rộng hệ thống cấp nước cho hơn 1.000 hộ dân.

Nhờ đó đến nay tổng công suất của Trạm cấp nước An Lập đạt 1.130 m3/ngày, đêm, cung cấp nước sạch cho khoảng 2.000 hộ dân tại các xã: Vĩnh An, Lệ Viễn và một phần thị trấn An Châu.

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc HTX An Sơn cho biết: Để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho các hộ dân vùng cao, HTX An Sơn luôn chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng nước sau xử lý, đảm bảo an toàn hệ thống, tránh thất thoát nước. Theo đó, công tác duy tu, sửa chữa, thay thế đường ống cũ bằng các loại ống chuyên dụng công nghệ mới, bảo dưỡng, thay thế đồng hồ… được thực hiện thường xuyên.

Hiện nay giá nước áp dụng tại khu vực cung cấp của HTX An Sơn rất thấp, nên không đủ chi phí vận hành. Đơn vị kiến nghị Nhà nước có cơ chế bù giá nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn (chủ yếu là bà con dân tộc, miền núi). Đó cũng là giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, góp phần xây dựng nông thôn mới cũng như hiệu quả hoạt động của HTX.

“Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn, đơn vị thi công làm hỏng, vỡ đường ống dẫn nước, liên tục ảnh hưởng đến quá trình cấp nước, gây thiệt hại lớn cho HTX. Do vậy, rất mong có sự phối hợp của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan có giải pháp phù hợp để khắc phục”, ông Trần Minh Tân chia sẻ.

Ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi cho hay, tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn chưa thực sự bền vững do yêu cầu ngày càng cao của chất lượng nước.

Cả nước vẫn còn hơn 20 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Trong khi đó, tại một số nơi ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước.

“Để tiếp tục phát huy thành tựu đã đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đồng thời chủ động vượt qua các khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới, việc xây dựng Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 là rất cần thiết nhằm mục đích vừa đảm bảo cấp nước phục vụ an sinh xã hội, vừa phát triển theo xu hướng thị trường đảm bảo ổn định, bền vững trong điều kiện thiên tai, biến đổi khí hậu và đạt được mục tiêu cấp nước đến năm 2025 đảm bảo 70% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn”. Ông Đồng Văn Tự cho biết.

Nguồn: baothaibinh.com.vn

×

FanPage

Vietwater Expo & Forum